Menu

Nền văn hoá xây dựng mối quan hệ Nhật – Việt: Nhân dịp dự án opera mới “Công nữ Anio”

Nền văn hoá xây dựng mối quan hệ Nhật – Việt: Nhân dịp dự án opera mới “Công nữ Anio”

KANOH, Haruka
Photos by Ban Điều hành “Công nữ Anio”

>>> tiếng Nhật 日本語

Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam chào đón ngày kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Vào dịp đó, hai nước đang cùng nhau sản xuất vở opera mới; “Công nữ Anio”. Vở này miêu tả câu chuyện tình yêu giữa chàng thương nhân Nagasaki (Nhật Bản) và nàng công nữ của Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam) và sẽ được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 9 năm 2023. (Về Nhà hát lớn và lược sử âm nhạc tại Việt Nam, hãy tham khảo bài “Say mê âm vang Việt Nam”  (tiếng Nhật)).

Đây không phải là lần đầu tiên vở opera được biểu diễn với tư cách là dự án giao lưu giữa Nhật – Việt. Năm 2013, năm kỷ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Nhật – Việt, vở opera tiêu biểu của Nhật Bản “Hạc đêm” (do nhạc sĩ Dan Ikuma sáng tác) đã được công diễn tại Hà Nội, và tháng 2 năm 2015, vở opera “Nàng tiên trong ống tre” (do nhạc sĩ Numajiri Ryusuke sáng tác) được trình diễn tại Hà Nội và cũng là lần đầu tiên trên thế giới(1). Người chỉ huy hai vở này là nhạc trường Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO). Ông đã từng chỉ huy một số vở opera của Việt Nam và lần này đảm nhận vai trò tổng đạo diễn của dự án. Oyama Daisuke, là người đóng vai Kuramochi no Oji trong vở “Nàng tiên trong ống tre” , phụ trách sáng tác kịch bản (tiếng Nhật) và diễn xuất trong dự án này. Được diễn ra tiếp những sự kiện trên được coi là “lịch sử giao lưu Opera Nhật – Việt”, dự án “Công nữ Anio” có đặc điểm hoàn toàn khác với trước: đó là cả tác phẩm được hai nước cùng nhau sáng tạo ngay từ đầu.

Vì câu chuyện của vở kịch xảy ra ở hai nước nên lời ca sẽ được hát bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Cuối tháng 12 năm 2021, nguyên tác và bản thảo đầu tiên của kịch bản tiếng Nhật đã hầu như hoàn thành và được dịch sát ra tiếng Việt. Dựa trên bản dịch này, hiện nay, nhà văn – nhạc sĩ Hà Quang Minh đang soạn lời tiếng Việt. Sau đó, kịch bản tiếng Nhật sẽ được chỉnh sửa lại. Người sáng tác âm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Người sáng tác âm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Nhạc sĩ đã từng sáng tác những bản giao hưởng, âm nhạc sân khấu, và các ca khúc, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông tham gia sáng tác nhạc kịch Opera. Nhạc sĩ cho biết rằng kế hoạch cơ bản cần thiết để sáng tác phần âm nhạc (như thời lượng, tính chất âm nhạc, và cách thức trình bày của các màn cảnh v.v…) đã được nhóm tác giả nguyên tác bàn bạc, thống nhất và hiện nay, ông đang trong quá trình sáng tác. Nhạc sĩ đã hoàn thành một số chất liệu âm nhạc đầu tiên ngay trước buổi họp báo mà rất tiếc là trong họp báo chưa được giới thiệu vì điều kiện khách quan không cho phép. Chúng ta cùng mong chờ ngày được nghe giai điệu! Còn theo kế hoạch, những ca sĩ đóng các vai sẽ được lựa chọn từ cả Nhật Bản và Việt Nam và được phát biểu từ sau mùa xuân năm 2022.

 

Chúng ta mong chờ những thông tin tiếp theo về tác phẩm lẫn sân khấu, còn dưới đây, tôi xin phép trình bày những suy nghĩ về dự án “Công nữ Anio” từ góc độ riêng của tôi: mối quan hệ Nhật – Việt và giao lưu văn hóa.

 

Câu chuyện tình yêu vào đầu thế kỷ 17

Chúng ta biết về ngoại thương Châu Ấn thuyền giữa Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á vào đầu thời Edo thông qua sách giáo khoa lịch sử. Theo website chính thức, lấy mô típ từ sự kiện có thật của thời đại, vở “Công nữ Anio” miêu tả câu chuyện tình yêu giữa Araki Sotaro, một thương nhân Châu Ấn thuyền xuất thân từ Nagasaki và công nữ Ngọc Hoa của Đàng Trong. Trên con thuyền từ Nagasaki đến Đàng Trong, Sotaro đã được gặp con gái của Chúa Nguyễn, tức là công nữ Ngọc Hoa (Màn 1). Mặc dù lúc đầu Chúa phản đối, cuối cùng hai người được Chúa ban hôn nhân và chuyển đến Nagasaki (Màn 2). Ở Nagasaki, Công nữ được người dân Nagasaki gọi một cách yêu mến là “Anio san”(2) và hai người sinh sống hạnh phúc cùng con gái tên là Yasu. Tuy nhiên, do Lệnh bế quan tỏa cảng của chính phủ Nhật Bản, hai người không thể vượt qua biển để đến Đàng Trong nữa (Màn 3). Một thời gian sau, Sotaro, và tiếp theo là công nữ Anio qua đời, còn Yasu cùng với những viên quan bugyo và những người thị dân hát lên ước mơ để lưu truyền câu chuyện của cha mẹ, trở thành đại hợp xướng (Màn 4). Cảnh kết thúc này thể hiện “sự đan xen giữa yếu tố hiện thực và hư ảo”, bởi vì ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục tái hiện 7 năm một lần trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền”, một trong những tiết mục múa trong lễ hội mùa thu “Nagasaki Kunchi” bắt đầu từ đầu thế kỷ 17. Có thể nói rằng, chính vở opera này cũng sẽ trở thành một “lễ hội” lưu truyền lại câu chuyện này.

Sự gặp gỡ của một thương nhân nước ngoài và công nữ, hôn nhân được Chúa đồng ý, rồi sau đó là sự chia cắt của hai nước do Lệnh bế quan tỏa cảng…, câu chuyện tình yêu cùng với những yếu tố chính trị có vẻ phù hợp với đề tài của một vở opera. Ngoài ra, mối quan hệ hữu nghị trong thời xưa, không có những vấn đề nhạy cảm như thời hiện đại, là một đề tài rất thích hợp để chúc mừng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước hiện nay. Lời ca ở màn cuối “cho đến ngày người dân hai quê hương có thể đi về, gặp gỡ lẫn nhau” có thể coi là một lời nhắn gửi phản ánh ước mơ của những người thời nay để vượt qua những sự hạn chế đi lại giữa Nhật – Việt trong tình hình đại dịch Covid-19, như ông Honna bày tỏ trong lời chào tại buổi họp báo.

 

Khám phá những mối quan hệ Nhật – Việt trong dự án “Công nữ Anio”

Ngoài nội dung tác phẩm, những mối quan hệ Nhật – Việt đa dạng được tập trung trong dự án này. Trước hết, trong bài phỏng vấn của video giới thiệu, nhạc trưởng Honna nói rằng: ”Để tạo nên ‘một tác phẩm danh tiếng lưu truyền về sau’, đội ngữ sản xuất coi trọng việc khảo sát lịch sử do các chuyên gia và xây dựng nội dung câu chuyện một cách chính xác và chân thực nhất”. Để thực hiện việc này, không thể thiếu được những nghiên cứu học thuật. Dự án này đồng hành với những nhà nghiên cứu như cô Phan Hải Linh, chuyên ngành Nhật Bản và mối quan hệ Nhật – Việt, và những người Nhật Bản đã và đang nỗ lực nghiên cứu khảo cổ học hoặc nghiên cứu đô thị của Hội An, nơi mà xưa đã hình thành “Đường phố Nhật Bản” và nghiên cứu mối quan hệ Nhật – Việt trong thời xưa. Chúng ta không thể không nhắc đến: sự hợp tác của các chuyên gia ở đây dựa vào sự phát triển mối quan hệ hai nước trong lĩnh vực học thuật và giáo dục, tích lũy của những thành tựu nghiên cứu, sự tồn tại của nhiều nhà nghiên cứu, ví dụ như nghiên cứu lẫn nhau hoặc nghiên cứu cùng nhau, du học, thành lập Đại học Việt Nhật v.v…

Hình ảnh chủ đạo tranh sơn mài của vở “Công nữ Anio” – bức tranh với tông màu đỏ khiến chúng ta liên tưởng đến Châu Ấn thuyền cũng như quốc kỳ của cả hai nước – là do họa sĩ sơn mài Ando Saeko vẽ. Sau khi cô sang Việt Nam năm 1995, cô học cả kỹ thuật sơn mài hiện đại lẫn sơn mài truyền thống, và hiện nay cô đang sinh sống tại Hội An và triển khai những hoạt động nghiên cứu, sáng tác và giáo dục. Hình ảnh bởi một nghệ sĩ người Nhật kết hợp truyền thống và hiện đại của Việt Nam làm người xem tưởng tượng một thế giới ảo tưởng, truyền ra cái hấp dẫn của vở opera.

Tiếp theo, nếu nhìn từ một góc độ khác và chú ý đến các công ty đồng hành, chúng ta sẽ thấy những công ty của Nhật Bản được liệt kê như Acecook, Idemitsu, Toyota, Daiwa House, ENEOS, Becamex Tokyu, Nippon Steel. Sau những năm 1990, nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu triển khai kinh doanh tại Việt Nam và số lượng công ty vào cuối năm 2021 là 1,985 (theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO). Hiện nay một số công ty của Nhật Bản tích cực tài trợ và giúp đỡ hoạt động của VNSO nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam, ví dụ như: Toyota và Acecook tổ chức những buổi hòa nhạc và sử dụng lợi nhuận đó để đóng góp hoạt động bảo tồn, giáo dục văn hóa nghệ thuật. Câu hỏi mỗi công ty tìm ra ý nghĩa gì trong việc đầu tư văn hóa nghệ thuật, là một câu hỏi mà cả thế giới phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Nhưng, chính nhờ sự tích lũy của những hoạt động lâu dài như: công ty bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, được tin tưởng tại Việt Nam, tìm hiểu tình trạng hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam…, mà chúng ta mới có kinh phí đầu tư cho dự án này. Vì thế lĩnh vực kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng để dự án “Công nữ Anio” được thực hiện.

 

Một công trình văn hóa kết nối quá khứ, hiện nay và tương lai

Opera là một thể loại nghệ thuật tổng hợp quy mô lớn, và dự án “Công nữ Anio” yêu cầu kinh phí to lớn, những kiến thức và kỹ thuật chuyên môn đa dạng, công sức lớn và thời gian dài. Bởi vậy, vở này sẽ được công diễn với tư cách là kết tinh kinh nghiệm của rất nhiều con người và tổ chức đã đi lại giữa Nhật – Việt, không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao mà nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, bản thân dự án này chính là nơi để thực hiện những giao lưu mới. Lấy một ví dụ là ngôn ngữ, chúng ta có thể dễ hình dung rằng: họ phải trao đổi qua lại giữa tiếng Việt và tiếng Nhật rất nhiều lần. Nhạc sĩ, nhà văn Việt Nam sẽ vừa tìm hiểu về ngôn ngữ và âm nhạc của Nhật Bản, vừa sáng tác lời ca và âm nhạc. Khi biểu diễn, ca sĩ hai nước phải hát bằng cả hai ngôn ngữ. Thực tiễn tiếp xúc văn hóa này có lúc tạo nên hòa hợp, có lúc xảy ra mâu thuẫn, rồi tất cả sẽ làm nên một không gian trình diễn chung.

Khán thính giả thường trải nghiệm những sự kiện giao lưu văn hóa như buổi diễn opera hoặc nhạc giao hưởng với tư cách là một sự kiện khác thường trong một vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những điều trên, chúng ta có thể coi không gian – thời gian đó chính là một điểm kết tinh của lịch sử trong những lĩnh vực khác nhau được đan xen lâu dài. Với ý nghĩa đó, dự án này sẽ trình diễn nghệ thuật opera – đã từng là tượng trưng của quyền lực được chứng minh bằng quy mô và sự hoành tráng, nay sẽ trở thành một loại hình nghệ thuật chứng minh mối quan hệ tin tưởng giữa quốc gia và quốc gia, giữa con người và con người, đó là sự tin tưởng to lớn đủ để xây dựng nghệ thuật sân khấu lớn lao này. Hơn nữa, buổi công diễn sẽ truyền tải mối quan hệ đó đến khán giả, đến không gian công cộng. Buổi công diễn sẽ là nơi để cả người sản xuất và khán giả cùng nhau công nhận và chúc mừng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản – Việt Nam. Rồi nó sẽ là một điểm khởi đầu mới để thúc đẩy những hoạt động xây dựng mối quan hệ lâu dài hơn, rộng rãi hơn.

 

Xây dựng nền tảng cho tương lai

Trước khi kết thúc bài này, tôi xin phép chia sẻ hai vấn đề cần suy nghĩ liên quan đến cách thực hiện ngoại giao văn hóa trong giới “âm nhạc cổ điển” giữa Nhật – Việt. Thứ nhất, như tôi đã kể ở trên, giao lưu văn hóa Nhật – Việt dựa trên những mối quan hệ mật thiết bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau giữa hai nước mà phải kể đến đầu tiên là kinh tế. Tuy nhiên, những công ty đồng hành với dự án “Công nữ Anio” nghiêng về những công ty của Nhật Bản, và theo nhạc trưởng Honna, ông đã nỗ lực xin tài trợ của những công ty Việt Nam khi tổ chức tour của VNSO tại Nhật Bản nhưng chưa được thực hiện. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng NHK tại Việt Nam vào dịp 45 năm thiết lập ngoại giao Nhật – Việt cũng do NHK và Dàn nhạc giao hưởng NHK tổ chức, bộ Ngoại giao Nhật Bản bảo trợ và ANA Holdings tài trợ, tức là do bên Nhật Bản chủ đạo.

Như tôi đã kể ở trên, bản thân việc bên Nhật Bản chủ động kêu gọi bên Việt Nam là điều đáng khích lệ, nhưng đồng thời, trong hiện trạng này chúng ta có thể phát hiện ra tính cách “hỗ trợ phát triển”, tức là mối quan hệ Nhật – Việt không đối xứng giữa “đất nước phát triển” Nhật Bản và “đất nước đang phát triển” Việt Nam. Có lẽ vì quan tâm đến vấn đề này thì phải mà vở opera “Công nữ Anio” thể hiện ý định miêu tả Sotaro và Công nữ Anio là biểu tượng của mối quan hệ “yêu nhau dựa trên sự bình đẳng, vượt qua cả sự khác biệt quốc gia và giai cấp” (trích từ website chính thức). Trong việc mà Nhật Bản xây dựng mối quan hệ với Việt Nam, một đất nước đã và đang phát triển nhanh chóng, hợp tác hai chiều đang được yêu cầu, và đang có dấu hiệu được thực hiện. Một số công ty đang phát triển một cách mạnh mẽ đang thể hiện sự quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật(3). Tôi hy vọng rằng: môi trường mà giới chính trị – kinh tế của cả hai nước cùng nhau đầu tư vào ngành văn hóa nghệ thuật sẽ được hình thành trong tương lai sớm.

Thứ hai, thông qua sự kiện văn hóa, bên cạnh công nhận và chúc mừng mối quan hệ mật thiết giữa hai nước và kết nối mối quan hệ đó đến tương lai, chúng ta còn phải chú ý đến những quá khứ và hiện tại không hẳn là đáng mừng. Ví dụ chúng ta có vấn đề của Chế độ thực tập kỹ năng người nước ngoài của chính phủ Nhật Bản – đang là cái ổ của sự bóc lột và phân biệt nhiều người trẻ đến từ Việt Nam(4); hoặc vấn đề của những người Nhật lưu lại Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ II và gia đình của họ(5). Mặc dù đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng hai ví dụ này cho chúng ta biết rằng: dưới cái bóng của mối quan hệ “tốt đẹp” Nhật – Việt có những người đã và đang khổ sở mà không lên tiếng được và những người đã và đang lắng nghe, đồng hành với họ và nỗ lực thay đổi tình hình tốt hơn. Ánh sáng rực rỡ để chúc mừng mối quan hệ hữu nghị của hai nước không bao giờ được phép làm cái bóng đen tối hơn và ép những người trong bóng đen càng im lặng hơn. Ngược lại, nó phải mang đèn sáng đến những nơi có bóng đen. Không được thúc đẩy sự bỏ quên mà phải thúc đẩy sự ghi nhớ(6).

Vậy có những phương pháp nào? Tôi đang suy nghĩ tìm câu trả lời(7) cùng với hy vọng rằng bài viết này sẽ trở thành một ngọn đèn lửa nhỏ. Có lẽ, sự kiện văn hóa không thể giải quyết những vấn đề một cách trực tiếp, nhưng việc đưa một tiền đề để có thể chấp nhận mối quan hệ giữa hai nước về cả mặt sáng cả mặt đen. Chẳng phải điều này cần thiết để tạo nên nền tảng chung của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau tiến hành hướng tới tương lai sao? Chẳng phải ở đây, chúng ta có thể tìm ra được sức mạnh của văn hóa sao?

 

Tôi cho rằng “Công nữ Anio” – một dự án mới được bắt đầu, có đầy triển vọng để tạo dựng nên tương lai của mối quan hệ Nhật – Việt. Cùng với kỳ vọng và cổ vũ cho sự thành công, tôi sẽ tiếp tục dõi theo dự án này một cách kỹ càng.

Vào ngày 16 tháng 12, dự án opera “Công nữ Anio” được chính thức công bố bằng cách ra mắt website chính thức  và tổ chức buổi họp báo tại “Phòng gương” của Nhà hát lớn Hà Nội. Họp báo được đồng thời triển khai qua Zoom. Một số thành viên liên quan đến dự án và nhà báo không ở Hà Nội đã tham gia trực tuyến. Nội dung buổi họp báo và video quảng bá được công khai trên kênh Youtube chính thức. Bài này được viết sau khi tôi tham dự buổi họp báo. Trong quá trình viết, tôi đã được nói chuyện với nhạc trưởng Honna Tetsuji, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cô Komatsu Miyuki và được nhận nhiều đóng góp có ý nghĩa. Bản dịch tiếng Việt này được duyệt lại bởi chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh, cựu học viên cao học của Đại học Tokyo. Tại đây, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành.

(Note)

  1. Vở này đã được diễn bằng hình thức hòa nhạc tại Yokohama Minato Mirai Hall vào tháng 1 năm 2014.
  2. Một giả thuyết cho rằng, người dân Nagasaki gọi công nữ Ngọc Hoa là “Anio” vì khi người dân Nagasaki nghe thấy nàng gọi Sotaro là “Anh ơi”, họ nghe thấy tiếng đó là “anio”.
  3. Ví dụ cuối năm 2021, Vietnam Youth Music Institute – một doanh nghiệp hoạt động không vì lợi nhuận với mục đích giáo dục thường thức âm nhạc cổ điển và điều hành dàn nhạc trẻ – được thành lập cùng với sự đồng hành của Công ty Cổ phần chứng khoán VPS, hiện đang giữ thị phần số 1 tại Việt Nam và công ty thương mại của Nhật Bản, Sojitz Việt Nam.
  4. Dưới chính sách “xuất khẩu lao động” của Chính phủ Việt Nam và chính sách du nhập của Chính phủ Nhật Bản, nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản với tư cách là Thực tập sinh kỹ năng và cống hiến cho công nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, họ bị trói buộc trong mối quan hệ quyền lực không đối xứng giữa những cơ quan, tổ chức liên quan của cả Nhật Bản và Việt Nam, trong đó nhiều thực tập sinh phải lao động trong thời gian dài, không được trả lương, vi phạm nhân quyền như bị quấy rồi bằng quyền lực (power harassment), quấy rối tình dục (sexual harassment)… Về bối cảnh, thực tế, vấn đề liên quan đến chế độ này, hãy tham khảo bài “Khoản vay để đi lao động mà một phụ nữ Việt Nam phải đối diện và sự méo mó của Chế độ Thực tập kỹ năng”  do chị Sunai Naoko viết (19/5/2020, Yahoo! JAPAN News, tiếng Nhật).
  5. Thuật ngữ để chỉ những người lưu lại tại Việt Nam sau năm 1945, trong số những binh lính và những dân thường người Nhật Bản tạm trú tại Việt Nam trong thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong đó, đa phần họ đã tham gia Việt Minh trong thời Kháng chiến chống Pháp và cũng có những người lấy vợ người Việt Nam và có con cái. Nhưng vào năm 1954, họ bắt phải về nước và những gia đình bị chia cắt từ đó đến những ngày nay. Một số công trình điều tra và nghiên cứu về họ đã được triển khai, và những năm gần đây, một số thành viên của những gia đình đó đã được gặp Nhật hoàng và Hoàng hậu lúc đó vào năm 2017, rồi năm sau được đến thăm “đất nước của cha”. Cô Komatsu Miyuki, người bỏ công sức to lớn để làm sáng tỏ những vấn đề, đã hoàn thành cuốn sách “Đồng hồ hồi sinh: Về những cựu binh Nhật Bản tại Việt Nam và thân nhân” (tiếng Nhật) được Nxb. Mekong xuất bản vào năm 2020.
  6. Walter Benjamin đã đề xuất quan niệm lịch sử – chúng ta có nhiệm vụ giải cứu những ký ức do “’lịch sử’ của người thống trị” áp đạt (tham khảo: Kakigi Nobuyuki “Walter Benjamin: Phê bình đi trong đen tối” 2019. Iwanami Shinsyo). Chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ rằng các sự nghiệp ngoại giao văn hóa, nhất là những sự kiện kỷ niệm này cần phải đối mặt với quan điểm này như thế nào.
  7. Trong việc tìm kiếm những phương pháp, chúng ta có thể tham thảo một ví dụ là chuyến lưu diễn của VNSO sang Mỹ vào năm 2011, trong đó một số cựu binh Mỹ đã được mời dự buổi hòa nhạc tại Boston Symphony Hall.

(2022/1/15)

—————————————-
KANOH, Haruka
 

 Tiến sĩ (Xã hội học) tại Viện nghiên cứu Vấn đề toàn cầu, Khoa Xã hội học, Đại học Hitotsubashi (2021). Chuyên ngành nghiên cứu khu vực, nghiên cứu văn hóa âm nhạc, nghiên cứu toàn cầu, v.v… Khu vực đối tượng nghiên cứu là Việt Nam. Chị đã tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu tại Hà Nội khi đang học thạc sĩ, tiến sĩ. Cho đến nay, chị đã tham gia nghiên cứu về mối quan hệ nghệ thuật và chính trị, chủ yếu là “âm nhạc cổ điển,” đặc biệt là opera bằng phương pháp liên ngành. 
—————————————-