Menu

Thưởng thức vở mới “Công nữ Anio”|Haruka Kanoh

Thưởng thức vở mới “Công nữ Anio”: Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngân vang nét hấp dẫn của loại hình nghệ thuật Opera

Text by KANOH, Haruka
Photo by Katsu Megumi / Đặng Vũ Trung Kiên

>>> tiếng Nhật 日本語

Opera “Công nữ Anio”
Nhạc kịch 4 màn (Lời ca bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nhật; có phụ đề tiếng Việt và tiếng Nhật)

2023/9/22-24 Nhà hát lớn Hà Nội / Hanoi Opera House (Vietnam)
2023/9/27 Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên / Hung Yen Prefecture Convention Center (hình thức hòa nhạc / concert)
2023/11/4 Hội trường tưởng niệm Hitomi Đại học nữ sinh Showa / Showa Women’s University Hitomi Memorial Hall
2023/11/6 Nagasaki Brick Hall International Conference Hall (Kịch kể chuyện âm nhạc đặc biệt / Musical recitation drama)

[Đội ngữ sản xuất]
Tổng đạo diễn / Chỉ huy: Honna Tetsuji
Tác giả âm nhạc: Trần Mạnh Hùng
Nguyên tác: Đội ngũ tác giả nguyên tác Dự án Opera “Công nữ Anio”
Đạo diễn, Tác giả kịch bản: Oyama Daisuke
Tác giả soạn lời (Tiếng Nhật): Oyama Daisuke
Tác giả soạn lời (Tiếng Việt): Hà Quang Minh

[Dàn diễn viên]
Công nữ Anio: Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang
Araki Sotaro: Kobori Yusuke, Yamamoto Kohei
Thầy bói: Phạm Khánh Ngọc
Chúa Nguyễn: Đào Mác
Chính phi: Nguyễn Thu Quỳnh
Quan khám lý: Nguyễn Huy Đức
Nagasaki bugyo: Goto Kazuma, Saiki Kenji
Yasu: Kawakoshi Miharu
Thông dịch: Nguyễn Trường Linh
Cai cơ: Nguyễn Anh Vũ

[Dàn nhạc]
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

[Diễn viên cho Kịch kể chuyện âm nhạc đặc biệt]
Chỉ huy: Honna Tetsuji
Kể chuyện: Oyama Daisuke
Công nữ Anio: Bùi Thị Trang
Araki Sotaro: Yamamoto Kohei
Dàn nhạc: Lục tấu “Công nữ Anio” (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam)
  Tạ Trung Đức (Cl), Đào Mai Anh (Vn), Lê Hoàng Lan (Vn),
  Lê Phan Như Quỳnh (Vc), Vũ Cẩm Tú (Cb), Nguyễn Thái Hà (Pf)

 

Vở opera mới “Công nữ Anio”, bao gồm bốn màn và kể lại câu chuyện giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản từ cách đây khoảng 400 năm, đã được công diễn lần đầu tiên trên thế giới tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tác phẩm này được sáng tác trong dự án kỷ niệm 50 năm quan hệ thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Sau khi được công diễn tại Hà Nội ba buổi và tại tỉnh Hưng Yên một buổi (dưới hình thức hòa nhạc), vở diễn đã được mang tới Nhật Bản và được công diễn tại Hội trường tưởng niệm Hitomi Đại học nữ sinh Showa và tại tỉnh Nagasaki (dưới hình thức kịch kể chuyện âm nhạc đặc biệt).
Dự án này bắt đầu từ cách đây hơn 3 năm. Sau khi ngài Yamada Takio được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam vào tháng 2 năm 2020, Dự án âm nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được đề xuất. Đội ngữ sản xuất dự án opera gồm Honna Tetsuji – Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), Furukawa Naomasa – Đại diện Công ty TNHH Brain Communications và Tani Makoto – Tổng giám đốc Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam. Ban điều hành “Công nữ Anio” được thành lập vào tháng 1 năm 2021.
Sau đó, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản đã được đề cử và tham gia dự án. Nhạc trưởng Honna là người đã và đang làm việc tại Việt Nam từ hơn 20 năm, đã tạo dựng được mối quan hệ tin cậy với nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ qua quá trình giao lưu, hợp tác, biểu diễn cùng nhau và đóng vai trò lớn làm cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản. Với tư cách là Tổng đạo diễn, ông đã dẫn đầu dự án ngay từ lúc lên phương án và ông cũng chỉ huy biểu diễn trong các buổi công diễn. Người được bổ nhiệm đạo diễn là Oyama Daisuke, người đã biểu diễn trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội cùng các ca sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) trong dự án vở “Nàng tiên Ống tre” (Numajiri Ryusuke) vào năm 2015. Anh là ca sĩ Bariton, đồng thời đã trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau. Với kinh nghiệm đó, anh trở thành đạo diễn, biên kịch và sáng tác lời tiếng Nhật cho dự án này. Từ phía Việt Nam tham gia có nhà báo – nhà văn – nhạc sĩ Hà Quang Minh viết lời ca tiếng Việt; nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sinh ra vào 1973, tình cờ cùng năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Việc lên ý tưởng cũng như thực hiện dự án này chắc chắn được hình thành từ nhiều mối quan hệ giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước như: có mối quan hệ từ cách đây 400 năm; có quan hệ chính trị – kinh tế phát triển nhanh chóng nhất là từ những năm 1990 trở lại đây; song song đó có hoạt động giao lưu văn hóa, âm nhạc càng ngày càng sôi nổi, trong đó có rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản đã và đang tạo dựng mối quan hệ thân thiết và tin tưởng lẫn nhau thông qua những hoạt động thường ngày… Nhìn lại quá trình sản xuất dự án, chủ nhiệm sản xuất Furukawa chia sẻ: “thời gian sản xuất 3 năm là khoảng thời gian đầy ý nghĩa có nụ cười, có nước mắt, có những lo âu và đôi khi cũng có cả những bất đồng” (Booklet chính thức cho công diễn vở “Công nữ Anio” tại Nhật Bản, p.60). Những mối quan hệ mới đã được vun đắp, làm sâu sắc thêm trong quá trình thực hiện vở diễn. Như vậy, từ một vở opera chưa thành hình cách đây ba năm đã được dần dần tạo ra với nhiều thử thách, và được ra mắt vào tháng 9 năm 2023.

***

Opera “Công nữ Anio” là câu chuyện đầu thế kỷ 17, từ thời ngoại thương Châu Ấn thuyền đến sau khi chính phủ Nhật bế quan tỏa cảng. Câu chuyện này dựa theo sự thật lịch sử rằng Công nữ Ngọc Hoa của xứ Đàng Trong (miền Trung Việt Nam hiện nay. Ở Nhật còn gọi là Quảng Nam quốc) và thương nhân Châu Ấn thuyền Araki Sotaro – người được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin tưởng, đã kết hôn và sang Nagasaki sinh sống đến khi ra đi. Lời ca được viết bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nhật, và có phụ đề của cả hai ngôn ngữ được chiếu trong các buổi công diễn. Từ “Anio” trong đầu đề dựa theo một giả thuyết rằng đó lời gọi anh chồng “anh ơi” của Ngọc Hoa được người dân Nagasaki nghe thấy “A-ni-o” nên họ bắt đầu gọi Ngọc Hoa là “Anio-san (cô Anio)” một cách thân thiết.
Tại phần đầu của buổi diễn, trong bóng tối, bài mở đầu tinh tế tươi sáng vang lên do VNSO biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trường Honna. Bài bao gồm những chủ đề sẽ xuất hiện trong cả vở như báo trước một câu chuyện hùng vĩ tráng lệ sẽ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau khi mở màn, hình ảnh biển động được chiếu trên màn LED được đặt ở đằng sau sân khấu. Múa diễn tả con sóng cùng với âm nhạc sống động của dàn nhạc lôi cuốn khán giả vào thế giới trên biển giữa Việt Nam và Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm. Rồi các câu chuyện tiếp theo xảy ra ở Hội An trong màn 2, ở Nagasaki trong màn 3 và màn 4.

Sau khi thưởng thức hai buổi công diễn tại Việt Nam, tôi cảm thấy một cách rõ ràng rằng sân khấu này tràn ngập tình yêu và niềm vui. Khẩu hiệu trên web trang chính thức của dự án là “Tình yêu giữa công nữ Ngọc Hoa và Araki Sotaro được Châu Ấn thuyền se duyên”. Bài Duet của Ngọc Hoa và Sotaro sau khi tái ngộ tại Hội An sau 10 năm và xác nhận tình yêu giữa hai người thực sự là một bài hát thể hiện vận mệnh đó một cách rõ ràng. Cặp đôi ca sĩ đóng vai Ngọc Hoa và Sotaro (Double cast, Soprano và Tenor) là chị Đào Tố Loan & anh Kobori Yusuke (22, 24/9, 4/11) và chị Bùi Thị Trang và anh Yamamoto Kohei (23, 27/9, 6/11). Cặp đôi đầu biểu hiện tình yêu đầy tính vận mệnh một cách sâu sắc với dạng thái phẩm giá và giọng hát mạnh mẽ, còn cặp đôi sau vang lên tiếng hát thật lãng mạn thẩm sâu vào trái tim người nghe.
Bên cạnh đó, vở này bao gồm nhiều bài hát và cảnh đầy tình yêu gia đình như: Chúa Nguyên (Đào Mác/ Bass Bariton) vừa nghe lời khuyên của Quan khám lý nhưng vẫn lo lắng không biết nên gửi con gái yêu quý của mình sang ngoài nước lấy chồng; Chính phi (Nguyễn Thu Quỳnh, Mezzo-soprano) động viên và tiễn biệt Ngọc Hoa với thái độ vừa quyết tâm vừa tình cảm (màn 2) ; Ngọc Hoa bế bé gái Yasu cho nghe bài hát “à hời ru” (màn 3); hai mẹ con Ngọc Hoa và Yasu (Kawagoshi Miharu/ Soprano) hát bài Duet trước ngôi mộ của Sotaro; Yasu truyền tải câu chuyện gặp gỡ mang tính vận mệnh của bố mẹ sang những thế hệ sau (màn 4) v.v… Ngoài ra, mặc dù Lệnh Bế quan tỏa cảng của Nhật gây bi kịch, câu chuyện vẫn kết thúc vui vẻ. Bài Finale “‘Lễ hội Nagasaki’ – Hướng tới tương lai tràn đầy hy vọng” làm không khí hội trường sôi nổi lên, hợp xướng hát lên hy vọng hướng tới tương lai, ở đó “hai quê [hương]” (trích từ lời ca) sẽ được kết nối lại. “Lễ hội” ở đây chính là “Nagasaki Kunchi” – lễ hội vẫn được tiếp tục diễn ra hàng năm tại Nagasaki. Lễ rước kiệu đón công nữ Anio được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” 7 năm 1 lần trong lễ hội này. Một câu chuyện quá khứ dựa theo sử thật được nối kết đến hiện thực thời hiện nay để hạ màn.

Tuy tuyến kịch có vẻ nhìn rất đơn giản, bản nguyên tác được viết đến bản thứ 6. Trong quá trình đó họ vừa khảo chứng kỹ càng về lịch sử với sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu, vừa đưa vào những yếu tố giả tưởng để câu chuyện hóa sự thật lịch sử. Trong câu chuyện đã được sáng tạo như thế này không tồn tại những nỗi căm hận, những cuộc tranh cãi và cũng không xuất hiện một nhân vật phản diện nào. Về điều này, ông Honna nói rằng “vì đây là tác phẩm kỷ niệm quan hệ hai nước, nên chủ đề chính của dự án là làm sao để cả người Việt Nam và người Nhật Bản cảm thấy được rất hạnh phúc khi xem vở này.” Trong đó, một yếu tố lớn để tạo ra kịch tính mà không thể thiếu được để triển khai câu chuyện trong opera là chính sách Bế quan tỏa cảng, vì đó đã chia cắt quan hệ Việt – Nhật thời đó và tách ra Ngọc Hoa ra khỏi quê hương. Nhưng theo sự cảm thận của tôi, kể cả Nagasaki Bukyo, người thông báo Lệnh Bế quan tỏa cảng cũng đã cho thấy sự thấu hiểu về nỗi đau của Sotaro. Dựa theo những điều trên, sự thật xoay quanh Sotaro và công nữ Ngọc Hoa tượng trưng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, trở thành tác phẩm mang kỳ vọng của đội ngũ sản xuất – những người đang sống ở thời điểm hiện tại nhằm chúc phúc cho mối quan hệ này, rồi được các ca sĩ, nghệ sĩ mang đến khán giả của “hai quê hương”. 
Trong vở có nhiều cảnh ấn tượng. Ở đây tôi xin phép giới thiệu một số cảnh không phải của hai gia đình Sotaro và Ngọc Hoa: đầu tiên là nhân vật Khoai, một người đi theo Ngọc Hoa sang Nagasaki cùng một số bạn bè, rất vui tính. Những cảnh do ca sĩ Đinh Khánh Cường biểu diễn một cách khôi hài đã thêm tính hài hước cho một câu chuyện cảm động.
Một cảnh nữa đã gây ấn tượng mạnh mẽ là tiếng hát của chị Phạm Khánh Ngọc (khách mời đặc biệt, Soprano) đóng vai thầy bói có vai trò dẫn dắt vận mệnh của Ngọc Hoa trong màn 2. Bài Aria của thầy bói gồm hai phàn: phần đầu hát về tự do, khát vọng. Rồi ở phần sau với tốc độ nhanh lên cứ như thể hiện trái tim đã được giải phóng, liên tưởng đến bài Aria đòi hỏi kỹ thuật cao trong vở opera “Cây sáo thần”. Chị Khánh Ngọc đã thể hiện bằng giọng ca kỹ thuật một cách mê hồn và rất mạnh mẽ. Trong buổi biểu diễn thứ hai tại Hà Nội mà tác giả đã xem, tiếng vỗ tay không ngừng, tạo ra một bầu không khí khó mà di chuyển sang cảnh kế tiếp.Về mặt tuyến kịch, bài này dẫn Ngọc Hoa đi theo trái tim mình và đưa Ngọc Hoa đến với Sotaro, rồi đưa Việt Nam và Nhật Bản đến một vận mệnh kết nối với nhau. Ngược lại, khi Nagasaki Bukyo thông báo Lệnh trong màn ba, ông nói “Bukyo của Nagasaki cũng không thể làm trái”. Sự tương phản giữa lời thầy bói và lời Nagasaki Bukyo cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. 

***

Tác phẩm này được hát bằng hai ngôn ngữ, tiếng Nhật và tiếng Việt, trong đó tiếng Việt chiếm hơn một nửa. Vì tiếng Việt có thanh điệu nên giai điệu và thanh điệu của lời ca phải thích hợp với nhau, nếu không ý nghĩa của lời ca sẽ thay đổi. Anh Hà Quang Minh nói rằng, “tôi biết có những nhà soạn lời họ sẽ yêu cầu nhạc sĩ thay đổi giai điệu để phù hợp với lời của của họ. Tuy nhiên, tôi rất tôn trọng từng nốt nhạc của người sáng tác vì vậy tôi luôn cố gắng tìm kiếm từ ngữ phù hợp, điều chỉnh lại lời ca. Kết quả tôi đã có thể sáng tạo ra những Aria mới.” (Booklet chính thức, p.49)
Trong buổi công diễn vở “Công nữ Anio,” điều đáng chú ý là các ca sĩ mà tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Nhật và đã rèn luyện hát opera chủ yều bằng các ngôn ngữ của Châu Âu như tiếng Ý, nhưng họ đã vang lên tiếng hát của họ bằng tiếng Việt. Tôi nghe ca sĩ người Nhật hát opera bằng tiếng Việt lần đầu tiên là tại buổi họp báo tại Tokyo vào tháng 7 năm 2023. Tôi cảm động đến mức ứa nước mắt khi tôi nghe anh Kobori hát bài duet cùng chị Tố Loan bằng tiếng Việt. Tôi đoán rằng các ca sĩ như anh Kobori, anh Yamamoto và chị Kawagoshi đã tập luyện rất vất vả cho đến những ngày biểu diễn vào tháng 9 và tháng 11. Họ đã khắc một số lượng lớn tất cả các lời ca bằng tiếng Việt vào cơ thể và vang lên lời ca đó cho khán giả nghe trên sân khấu.
Bên cạnh đó, những cơ hội thưởng thức giọng hát bằng tiếng Việt do các ca sĩ người Việt hát khiến cho tôi công nhận lại sự đẹp đẽ trong âm sắc của tiếng Việt và làm tôi quan tâm đến kỹ thuật hát opera bằng tiếng Việt. Tôi cảm thấy rằng âm vang tinh tế đó có đặc trưng riêng, khác với hát opera bằng những ngôn ngữ phương Tây và tiếng Nhật, cũng khác với hát cổ truyền của Việt Nam. Một người bạn của tôi đã đi xem buổi công diễn cũng chia sẻ sự cảm động như sau: “Lần đầu tiên được nghe opera bằng tiếng việt tôi đã rất ngạc nhiên và choáng ngợp đến mức dựng tóc gáy.” Hát bằng tiếng Việt được coi là đi kèm theo khó khăn nhất định đối với ca sĩ, chẳng hạn như “trong tiếng Việt có 6 thanh điệu nên khi hát phải đảm bảo vừa đúng cao độ vừa phải rõ thanh, rõ chữ là điều không phải dễ dàng” (Võ Văn Lý. 2015. Phát âm tiếng Việt trong Nghệ thuật Ca hát. Nhà xuất bản Đại học Huế. p.45). Điều này cho tôi tưởng tượng rằng thẩm mỹ tiếng Việt mà tôi đã cảm nhận trong những buổi công diễn “Công nữ Anio” có lẽ là kết quả của sự nỗ lực và tính sáng tạo trong việc sáng tác âm nhạc và lời ca như tôi đã giới thiệu ở trên cùng với sự rèn luyện vất vả và kỹ thuật ca hát cao của các ca sĩ trên sân khấu.
Ở Việt Nam còn những vở opera viết bằng tiếng Việt khác như vở “Cô Sao” (Đỗ Nhuận, 1965), “Lá Đỏ” (Đỗ Hồng Quân, 2016) v.v… Tôi mong rằng sau này, thông qua “Công nữ Anio” và những tác phẩm khác, sự hấp dẫn của ca hát opera bằng tiếng Việt sẽ được nhiều người biết đến, không chỉ trong Việt Nam mà còn trên thế giới nữa.
Tiếp theo, chúng ta chuyển sang phần sáng tác âm nhạc. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng tốt nghiệp cao học tại Nhạc viện Hà Nội. Anh đã sáng tác nhiều tác phẩm giao hưởng đến các tác phẩm thanh nhạc như romance, hợp xướng v.v…Từng tham gia liên hoan âm nhạc thế giới và trải nghiệm những dự án hợp tác quốc tế, anh là một trong những nhạc sĩ hàng đầu có kinh nghiệm ở Việt Nam. Vở “Công nữ Anio” là vở opera đầu tiên mà anh phụ trách sáng tác âm nhạc.
Anh đã sáng tác những giai điệu dựa trên những điệu thức cổ truyền khắp Việt Nam bao gồm âm nhạc dân tộc thiểu số. Trong lúc tôi nghe âm nhạc của vở này, thỉnh thoảng tôi được nghe thấy những âm hưởng quen thuộc của Việt Nam. Anh cũng tiếp thu và nghiên cứu âm nhạc Nhật Bản và đã sử dụng những điệu thức của Min-yo, Miyako-bushi, Ritsu, Ryu-kyu cũng như tiết tấu trống trong lễ hội Nagasaki Kunchi (dựa theo phỏng vấn trong Booklet chính thức, p.45). Bên cạnh đó, anh đã chia sẻ rằng anh đã kết hợp những điệu thức âm nhạc Việt Nam và âm nhạc Nhật Bản, bằng cách đó, khiến cho âm nhạc đa dạng cảm xúc và màu xác hơn.
Điều rất thú vị ở đây là cách sáng tác âm nhạc của anh không phải như: sử dụng điệu thức Nhật Bản để thể hiện cảnh Nhật/người Nhật, sử dụng điệu thức miền Trung Việt Nam để thể hiện cảnh Hội An v.v…. Anh chia sẻ với tôi như sau: “Mỗi điệu thức sẽ có một đặc trưng màu sắc cảm xúc riêng, có cái nhiều ánh sáng, có cái tối tăm, có cái ấm áp, có cái lạnh lẽo, có cái vui có cái buồn…. Tôi coi mỗi cái đặc trưng riêng đó như một giá trị, và sẽ sử dụng nó để viết nhạc cho mỗi tình huống cụ thể của câu chuyện trong kịch bản.” Ví dụ như “trong những cảnh nội tâm sâu sắc thì tôi thường viết giai điệu mang âm hưởng phong cách Nhật Bản, ở những cảnh vui tươi hồn nhiên thì tôi [viết] giai điệu mang phong cách Việt Nam” (dựa theo phỏng vấn trong Booklet chính thức, p.45).
Có lẽ vì vậy, ít nhất dựa theo sự cảm nhận của tôi, âm nhạc đó không tạo ra sự cứng nhắc để cố gắng thể hiện khác biệt với âm nhạc phương Tây. Ngay từ lúc bài mở đầu bắt đầu vang lên, âm nhạc đã vượt qua những quan niệm đối lập như phương Tây/phương Đông, Châu Âu/Châu Á mà opera ở Châu Á hay bị trói buộc. Tuy tôi không có kiến thức về kỹ thuật sáng tác âm nhạc, tôi đồng ý với lời phê bình của ông Umezu Tokihiko như “nhạc sĩ không bằng lòng với thế giới quen thuộc mà hãy sáng tạo thế giới mới một cách tự nhiên” (Báo Mainichi, 22.11.2023. Tokyo, Buổi chiều, p.5).

***

Vở opera “Công nữ Anio” thể hiện tình yêu và niềm vui một cách thẳng thắn đã chúc mừng mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản, và mang theo tâm nguyện về sự phát triển của mối quan hệ này trong tương lai đến khán giả. Hơn nữa, tác phẩm không chỉ nằm trong khuôn khổ kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao mà có tiềm năng phát triển thêm thành những chủ đề tư tưởng đa dạng. Chẳng hạn như diễn xuất vở này với chủ đề chính là cuộc đời của Sotaro thì sao? Hay chú ý đến sự đối lập giữa thầy bói và Nagasaki Bugyo thì sao? Dù tôi không có chuyên môn về đạo diễn và không biết những ý tưởng này có đúng hay không, tôi không thể ngừng tưởng tượng như vậy.
Ngoài ra, dựa theo nội dung của phần sau bài viết này, có thể nói rằng tác phẩm/sân khấu opera “Công nữ Anio” là kết tinh của quá trình phản ứng, khước từ cũng như tiếp thu những yếu tố văn hóa của thế giới, chủ yếu giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua sự cảm nhận, kỹ thuật và cơ thể của các nghệ sĩ, cụ thể như: tiếng Việt và tiếng Nhật, âm nhạc và ngôn ngữ, âm nhạc Việt Nam, âm nhạc Nhật Bản và âm nhạc phương Tây, ca hát tiếng Việt do ca sĩ người Nhật, ca hát tiếng Nhật do ca sĩ người Việt Nam, v.v… Nếu vậy, phải chăng tác phẩm này, sân khấu này đã để lại những gợi ý lớn nào đó cho tương lai của loại hình nghệ thuật opera, đặc biệt là loại hình nghệ thuật opera xuất phát từ khu vực phi phương Tây?
Tôi mong rằng tác phẩm này, một tác phẩm đã được sinh ra với tư cách là một dự án kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục được công diễn trong những bối cảnh khác nhau tại Việt Nam, tại Nhật Bản và trên thế giới.

 

Trong quá trình viết bài này, tôi đã được sự giúp đỡ của nhạc trưởng Honna Tetsuji, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và rất nhiều người nữa để tôi tìm hiểu về tác phẩm và dự án. Một lần nữa, tôi chân thành gửi lời cảm ơn.

 

—————————————
KANOH, Haruka
Tiến sĩ (Xã hội học) tại Viện nghiên cứu Vấn đề toàn cầu, Khoa Xã hội học, Đại học Hitotsubashi (2021). Chuyên ngành nghiên cứu khu vực Việt Nam, nghiên cứu văn hóa âm nhạc, nghiên cứu toàn cầu, v.v… Chị đã tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu tại Hà Nội khi đang học thạc sĩ, tiến sĩ. Cho đến nay, chị đã tham gia nghiên cứu về mối quan hệ nghệ thuật và chính trị, chủ yếu là “âm nhạc cổ điển,” đặc biệt là opera.