Menu

PickUp (2022/6/15) |Họp báo công bố diễn viên chính vở opera “Công nữ Anio” |KANOH, Haruka

Họp báo công bố diễn viên chính vở opera “Công nữ Anio” – Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản
日越外交関係樹立 50 周年記念・新作オペラ「アニオー姫」主要キャスト記者発表会
Main Cast Presentation for opera “Princess Anio” – Commemorating the 50th Anniversary of the Establishment of Diplomatic Relations between Japan and Vietnam

Ngày 3 Tháng 6 Năm 2022 Hội trường của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (Hà Nội)
2022年6月3日 ベトナム国立交響楽団リハーサルスタジオ(ハノイ)
2022/6/03 Rehearsal studio of Vietnam National Symphony Orchestra (Hanoi)

Text by KANOH, Haruka
Photos – Được cung cấp bởi: Ban điều hành “Công nữ Anio” 

Vào ngày 3 tháng 6 năm 2022, tại Hội trường của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã diễn ra buổi họp báo công bố diễn viên chính của vở opera “Công chúa Anio” – dự án kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản 2023. Buổi họp báo cũng được triển khai trên nền tảng Zoom để những nhà báo từ Nhật Bản cũng được tham gia.
Kể từ một năm rưỡi sau buổi họp báo đầu tiên, buổi họp báo lần này đã công bố 4 diễn viên chính (double cast) và trình diễn bản aria. Điều này cho thấy sự tiến triển vững chắc của dự án. Dưới đây, tôi xin giới thiệu một phần của buổi họp báo đó.

*Toàn bộ buổi họp báo này được công khai trên Kênh Youtube chính thức của Ban điều hành “Công nữ Anio.” Về chi tiết của dự án này, xin giới thiệu website chính của dự án và bài viết của tôi ‘Nền văn hoá xây dựng mối quan hệ Nhật – Việt: Nhân dịp dự án opera mới “Công nữ Anio.”

4 diễn viên chính của vở “Công nữ Anio” được công bố bởi Oyama Daisuke – Đạo diễn/Tác giả kịch bản/Tác giả soạn lời (tiếng Nhật). Hai ca sĩ đóng vai Araki Sotaro (giọng Tenor) là ca sĩ Kobori Yusuke và ca sĩ Yamamoto Kohei. Thông qua lời nhắn trên video, Kobori đã thể hiện sự quyết tâm tìm hiểu cách sống của Sotaro, một thương nhân Châu Ấn thuyền, và sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nhân vật này. Yamamoto đã tỏ bày niềm vui được đóng vai Sotaro, người có mối liên hệ với Nagasaki và Việt Nam vì bản thân anh cũng có mối liên hệ sâu với hai nơi này. Còn hai diễn viên đóng vai công chúa Anio (giọng Soprano) là ca sĩ Đào Tố Loan và ca sĩ Bùi Thị Trang (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam). Hai ca sĩ mặc áo dài trắng tinh khôi xuất hiện và trình diễn “Aria Đàn Bầu,” trích từ màn III của vở. Độc giả có thể xem video tại đây.
Theo đạo diễn Oyama, bản aria này là “aria mà công chúa Anio, người đến làm dâu ở Nagasaki, hát lên nỗi niềm nhớ quê hương Hội An Việt Nam từ đất nước Nhật Bản xa xôi,” và “nét tinh hoa của dân ca ngân vang trong trái tim người Việt Nam được lồng ghép trong giai điệu bài hát.” Vì tôi tham dự qua Zoom và lắng nghe thông qua máy tính và tai nghe, nên âm thanh có phần ảnh hưởng. Tuy nhiên, giai điệu bài hát do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác được hát bằng giọng opera đầy nội lực nên không chỉ truyền được nỗi bi ai mà còn mang lại nét tươi sáng, lôi cuốn cảm xúc của người nghe một cách mạnh mẽ. Chúng tôi mong đến ngày được thưởng thức bản nhạc một cách đầy đủ trong một cảnh của toàn bộ vở opera.

Trong phần hỏi đáp, các tờ Việt Nam Plus, Việt Nam News, Phụ nữ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam đã đặt câu hỏi, và đạo diễn Oyama và đại diện dự án – Honna Tetsuji (Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) đã cho biết một số thông tin về tác phẩm và sân khấu. Một trong số đó là ngôn ngữ sử dụng trên sân khấu. Theo đạo diễn Oyama, hội thoại giữa các nhân vật Việt Nam sẽ được sử dụng tiếng Việt, còn hội thoại giữa nhân vật Nhật Bản thì sẽ sử dụng tiếng Nhật. Nhưng ví dụ trong màn I và II, khi bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Việt Nam, Araki Sotaro có thể hát bằng tiếng Việt. Vậy hai ngôn ngữ sẽ được sử dụng như thế nào? Các nghệ sĩ sẽ hát bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ như thế nào? Đó sẽ là một điểm đáng chú ý của vở diễn. Tất nhiên, phụ để tiếng Nhật và tiếng Việt (và tiếng Anh nếu có điều kiện) sẽ được chuẩn bị cho khán giả.
Về địa điểm công diễn, ngoài Hà Nội, nhạc trưởng Honna bày tỏ mong muốn thực hiện những buổi biểu diễn tại những địa điểm khác như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Huế, v.v. cũng như công diễn tại Nhật Bản sau khi công diễn tại Hà Nội. Đối với khán giả Nhật Bản, chúng tôi mong đợi vở diễn được công diễn tại đây nhưng cũng có thể hình dung khán giả Nhật Bản tới Việt Nam thưởng thức câu chuyện của Sotaro và công chúa Anio tại Nhà hát lớn Hà Nội – một nhà hát được xây dựng thời Pháp thuộc.
Bên cạnh đó, buổi họp báo cũng nhận được câu hỏi từ phía các nhà báo Nhật Bản thông qua Zoom. Trái ngược những câu hỏi dành cho đội ngũ sản xuất Nhật Bản từ phía các nhà báo Việt Nam, các nhà báo Nhật Bản lại quan tâm nhiều đến đội ngũ sản xuất Việt Nam. Hai ca sĩ Bùi Thị Trang và Đào Tố Loan nói rằng sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thiện vai công chúa Anio. Sau đó, Đào Tố Loan nhắn gửi bằng tiếng Nhật: “tôi yêu văn hóa và con người Nhật Bản. Tôi mong rằng Việt Nam và Nhật Bản mãi giữ được tình hữu nghị”.
Trước khi trình diễn trích đoạn của bản “Aria Đàn bầu,” đạo diễn Oyama cũng giải thích rằng “Với nhiều nét tương đồng với dân ca Nhật Bản, giai điệu dân ca Việt Nam không chỉ gợi nhớ cho người Việt Nam mà cả người Nhật Bản về khung cảnh quê hương thân thuộc”. Ngoài ra, khi trả lời các nhà báo, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ rằng ông đã phát hiện ra sự tương đồng giữa điệu thức của âm nhạc Nhật Bản với âm nhạc Việt Nam, mà không chỉ với âm nhạc của người Kinh mà còn với âm nhạc của các dân tộc thiểu số Việt Nam nữa. Những sự phát hiện của nhạc sĩ sẽ được thể hiện bằng âm nhạc như thế nào? Và khán giả sẽ cảm nhận những âm điệu đó như thế nào? Chúng ta trông đợi sự hoàn thành của toàn bộ vở opera.

Có thể nói rằng từ giờ trở đi mới là thời gian chính thức thực hiện dự án. Theo nhạc trưởng Honna, công việc lớn tiếp theo là lựa chọn những diễn viên khác. Còn đạo diễn Oyama sẽ tiếp tục chỉnh sửa phần kịch bản mà ông đã bắt tay vào từ tháng 5 năm ngoái, cũng như phát triển kịch bản theo phần âm nhạc do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã sáng tác.
Theo lời phát biểu của ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, khi thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến thăm Việt Nam, cả Thủ tướng Kishida và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều có chung quan điểm “thực hiện vở opera [thành công]”. Có lẽ, vở opera “Công chúa Anio” sẽ được thực hiện cùng với sự tham gia của ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức, quốc gia. Tôi sẽ tiếp tục dõi theo dự án này.

(2022/6/15)

Đội ngữ sản xuất vở “Công nữ Anio”

(trái) Cố vấn sản xuất Bà Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch
(giữa) Khách mời Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch – ông Tạ Quang Đông
(phải) Cố vấn danh dự Dự án Ngài Yamada Takio – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam

Đại sứ Yamada Takio

Đồng đại diện dự án ông Trịnh Tùng Linh – Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Đại diện dự án ông Honna Tetsuji – Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Đạo diễn Oyama Daisuke công bố diễn viên chính

Ca sĩ Đào Tố Loan (trái) và ca sĩ Bùi Thị Trang (phải) trình diễn “Aria Đàn bầu” trích từ màn III

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng trả lời câu hỏi

Ảnh kỷ niệm

————————————————–
KANOH, Haruka
Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ, Khoa Xã hội học, Đại học Hitotsubashi. Tiến sĩ (Khoa học xã hội). Chuyên ngành nghiên cứu khu vực, nghiên cứu văn hóa âm nhạc, nghiên cứu toàn cầu, v.v… Khu vực đối tượng nghiên cứu là Việt Nam. Chị đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại Hà Nội khi đang học thạc sĩ, tiến sĩ. Cho đến nay, chị đã tham gia nghiên cứu về mối quan hệ nghệ thuật và chính trị, chủ yếu là “âm nhạc cổ điển,” đặc biệt là opera.